Số “chấm” trên smartphone là gì? Có nên tin không?

31/12/2019 | 2793 lượt xem

Nhiều người nghĩ rằng số “chấm” (megapixel) càng cao, chất lượng ảnh chụp sẽ càng đẹp, nhưng sự thực có phải như vậy?

Trong nhiều năm, những nhà sản xuất smartphone đã không ngừng công bố những chiếc điện thoại có camera sở hữu cảm biến với thông số điểm ảnh cực "khủng" như một cuộc đua để xem chiếc máy nào sở hữu camera tốt hơn. Tuy nhiên những chiếc máy đã chạm đến "ngưỡng" và dường như không còn thấy sự khác biệt khi có sự khác nhau của chỉ số này.

Vậy nếu không có chỉ số điểm ảnh megapixel thì chúng ta căn cứ vào đâu để có thể đánh giá một chiếc camera có phải là tốt hay không? Đó cũng là điều mà chúng ta sẽ tìm hiểu sau đây.

 

Số “chấm” (megapixel) nói lên điều gì?

Về lý thuyết, pixel (điểm ảnh) là yếu tố vật lý trên cảm biến camera và thu ánh sáng khi chụp. Megapixel biểu thị số điểm ảnh của tấm hình. Một megapixel có 1.000.000 điểm ảnh. Ảnh ở độ phân giải 12 megapixel sẽ tương đương 12 triệu điểm ảnh.

Thực tế, thuật toán xử lý tiên tiến đóng vai trò quan trọng hơn số megapixel khi nói về nhiếp ảnh di động. Nguyên nhân bởi hầu hết camera độ phân giải cao trên smartphone đều sử dụng công nghệ ghép điểm ảnh (pixel binning), kết hợp dữ liệu từ bốn điểm ảnh liền kề thành một điểm ảnh lớn. Công nghệ này giúp cảm biến camera của smartphone thu được nhiều ánh sáng hơn mà không cần tăng kích thước, nhưng chất lượng ảnh sẽ bị giảm đi bốn lần.

 

Nguyên lý hoạt động của bộ lọc Quad Bayer

 

Hơn nữa, nhiều smartphone 48 "chấm" hiện nay dùng bộ lọc màu Quad Bayer, thay thế bộ lọc Bayer truyền thống. Quad Bayer vẫn được cấu thành từ 50% bộ lọc xanh lục, 25% bộ lọc đỏ, 25% bộ lọc xanh lam, cứ bốn điểm ảnh cùng màu sẽ tự động gom thành một cụm, rồi xử lý bằng thuật toán để sắp xếp các cụm màu.

Do đó, cảm biến 48, 64 và 108 "chấm" ghép điểm ảnh chỉ cho bức hình tương đương chất lượng ảnh lần lượt của cảm biến 12, 16 và 27 megapixel thông thường.

 

Thực tế, thuật toán xử lý đóng vai trò quan trọng hơn số megapixel

Vài năm qua, các nhà sản xuất đã ngừng chạy đua số "chấm" trên smartphone. Thay vào đó, họ sử dụng thuật toán để cải thiện chất lượng chụp ảnh của những sản phẩm hàng đầu.

Bên cạnh hiệu quả rõ rệt trong việc tăng độ chi tiết, thuật toán còn tự nhận diện màu sắc và điều chỉnh cân bằng trắng để bức hình trông thật tự nhiên dưới mọi điều kiện ánh sáng. Nhờ thuật toán xử lý hình ảnh, các nhà sản xuất có thể phát triển nhiều tính năng đột phá, như chế độ chụp ban đêm, tạo hiệu ứng độ sâu trường ảnh, AI nhận diện khung cảnh... Ưu điểm của thuật toán có thể thấy trên bức hình chụp ban đêm của iPhone, ảnh chụp thiên văn bằng Pixel 4 hay ảnh zoom 5x kết hợp qua ống kính của P30 Pro.

 

iPhone 11 và Pixel 4 được đánh giá là những mẫu smartphone chụp ảnh đẹp nhất hiện nay

 

Ngày nay, chất lượng ảnh smartphone không chỉ phụ thuộc vào camera, mà còn ảnh hưởng bởi bộ vi xử lý hình ảnh và công nghệ học máy (machine learning). Apple, Huawei và Samsung liên tục nghiên cứu và cải tiến bộ vi xử lý hình ảnh độc lập, trong khi Google tích hợp vào thẳng bộ vi xử lý Neural Core. Những chip này thực sự cần thiết để thực hiện thuật toán hình ảnh tiến tiến trong thời gian ngắn và tiết kiệm năng lượng trên thiết bị.

Một số tính năng dựa trên thuật toán như chế độ chụp đêm và làm mờ hậu cảnh đã có sẵn ở nhiều dòng máy trung cấp, nhưng giá thành phần cứng đắt đỏ khiến chúng tạm thời chưa thể tiếp cận đa số người dùng.

Khi chi phí giảm dần theo thời gian, những tính năng này sẽ sớm xuất hiện trên smartphone giá rẻ. Đồng thời, nhà sản xuất không còn phải dùng số megapixel để thu hút thêm người dùng nữa.

 

Tình hình sản xuất camera của các hãng điện thoại hiện nay

Chụp ảnh đẹp là một trong những yếu tố quyết định thành công của smartphone hiện đại. Các nhà sản xuất có nhiều hướng đi khác nhau để cải thiện chất lượng ảnh chụp. Một số sẵn sàng trang bị cảm biến độ phân giải cao 48, 64 hay thậm chí 108 megapixel trên các mẫu điện thoại tầm trung. Trong khi, Apple hay Google nhận thấy camera chỉ 12 "chấm" cũng đủ tạo nên sự khác biệt.

Khi mà các hãng smartphone Trung Quốc đang tập trung nâng “số chấm” trên camera để đọ sức với nhau thì Google, Apple lại cho thấy rằng chất lượng phần mềm mới là yếu tố quyết định.

 

 

► Các hãng Trung Quốc dùng “số chấm” trên camera để “mị dân”: Nhiều nhà sản xuất smartphone Trung Quốc đang tìm cách “mị dân” bằng cách nâng cao độ phân giải của camera sau, từ các mẫu smartphone cao cấp đến những thiết bị giá rẻ – tầm trung, điển hình là Xiaomi với Redmi Note 7 (48MP), gần đây là Redmi Note 8 (64MP) và mới nhất là Mi CC9 Pro (108MP). Bên cạnh đó, còn có OPPO K5 tầm trung ra mắt với camera sau 64MP, OnePlus 7 Pro dùng cảm biến 48MP, Vivo Nex 3 có cảm biến 64MP…

Google và Apple kiên định với “nhiếp ảnh điện toán”: Trong khi hầu hết các nhà sản xuất đang chạy theo cuộc đua về độ phân giải camera, Google lại có một hướng rẽ khác, đó là “nhiếp ảnh điện toán”. Từ Google Pixel 2, gã khổng lồ công nghệ này đã chứng minh được sức mạnh từ những dòng code của mình. Ở thời điểm mới ra mắt, Pixel 2 được đánh giá là chiếc smartphone chụp ảnh đẹp nhất thế giới. Mặc dù chỉ được trang bị camera đơn với cảm biến 12.3 MP, Pixel 2 vẫn thể hiện khả năng chụp ảnh ấn tượng khi có dải tần nhạy sáng rất rộng, giúp xử lý các hình ảnh có bố cục ánh sáng phức tạp. Đây cũng là thiết bị đầu tiên sở hữu cả công nghệ chống rung quang học (OIS) lẫn chống rung điện tử (EIS). Google cũng dùng công nghệ cảm biến dual pixel và AI để mang tính năng Portrait Mode lên chiếc smartphone này, mang lại khả năng chụp xóa phông không hề kém cạnh các mẫu điện thoại có camera kép. Và tiếp đó là thế hệ Pixel 3 và Pixel 4, Google tiếp tục chứng minh chân lý về nhiếp ảnh của mình là đúng với công nghệ Night Vision ấn tượng,

Không chỉ Google, nhà Táo cũng đang làm điều tương tự khi các thông số về độ phân giải trên những chiếc iPhone mới nhất không thực sự ấn tượng, bù lại chất lượng phần mềm và thuật toán sẽ giúp iPhone có thể đấu lại các tên tuổi các trên thị trường. Bộ 3 iPhone 11 đã được cải thiện đáng kể khả năng chụp ảnh, đặc biệt là trong điều kiện thiếu sáng so với các thế hệ trước đó.

Từ những phân tích trên đây, có thể thấy rằng cuộc đua “số chấm” trên camera sẽ chẳng thể đi tới đâu khi mà thị trường công nghệ lại xuất hiện hai đối thủ quá mạnh về thuật toán – phần mềm là Google và Apple. Dùng camera 12MP để đánh bại cả đối thủ có cảm biến 48MP, Google đang cho thấy hướng đi của mình là hoàn toàn đúng đắn, và định nghĩa về nhiếp ảnh cần phải được xem lại.

Like Fanpage MobiGo https://www.facebook.com/MobigoBB/ và thường xuyên theo dõi chuyên mục Tin tức tại website MobiGo để cập nhật những thông tin công nghệ nóng hổi nhất!

>>> Xem ngay:  Lý do nào smartphone ngày nay lại không sợ chụp đêm?

Sản phẩm mới

TƯ VẤN KHÁCH HÀNG
0939119770