Có gì HOT ở bản Android mới nhất của Google

14/05/2019 | 5018 lượt xem

Android Q là phiên bản kế nhiệm của Android Pie. Phiên bản này sẽ được giới thiệu tại sự kiện Google I/O 2019 vào ngày 7/5.

Android 10 Q ra mắt tại Hội nghị nhà phát triển Google I/O, tên gọi chính thức của hệ điều hành này sẽ được công bố sau vào mùa thu tới. Android 10 Q sẽ hỗ trợ các smartphone màn hình gập, thích ứng với các kích thước màn hình khác nhau. Giờ đây, giao diện khi gập lại và mở ra được sắp xếp phù hợp hơn, các tác vụ chuyển đổi linh hoạt và tức thời

 

Android 10 Q ra mắt cùng nhiều tính năng mới

 

Sự kiện thường niên của Google sẽ diễn ra từ ngày 7 đến 9/5 tại Mountain View, California (Mỹ).Đây là nơi công ty sẽ giới thiệu phần mềm, sản phẩm mới và cả bản cập nhật Android tiếp theo. Nhiều khả năng, phiên bản beta đầu tiên của Android Q sẽ được xuất hiện trên Pixel 3 và một số thiết bị khác được hỗ trợ.

 

Dark Theme (chủ đề tối)

Kích hoạt Dark Theme trong Android Q khá đơn giản. Bạn kéo menu Cài đặt nhanh từ cạnh trên xuống, nhấn nút và giao diện chuyển từ màu trắng sang màu đen. Đây là màu đen thực sự, không phải màu xám đen mà chúng ta đã thấy trên một số chế độ tối.

Về mặt lý thuyết, điều này sẽ giúp cải thiện thời lượng pin. Đồng thời, việc bật trình tiết kiệm pin trên Android 10 Q cũng sẽ tự động kích hoạt Dark Theme.

 

Giao diện Dark Them tren Android 10 Q

 

Google cam kết phát hành các chủ đề tối cho tất cả các ứng dụng Android của họ. Một số chủ đề tối đã hiện đã xuất hiện trong ứng dụng Lịch và Google Photos.

Đối với các nhà phát triển bên thứ ba, Google đang tạo một API để cho các ứng dụng biết khi nào thì Dark Theme được bật. Họ cũng cung cấp cho các nhà phát triển tùy chọn thêm một dòng mã vào ứng dụng của họ để tạo ra một chủ đề tối.

 

Điều hướng cử chỉ và nút back

Hệ thống điều hướng cử chỉ mới sẽ là phần gây tranh cãi nhất của Android 10 Q bởi 2 lý do: Thứ nhất, Android Q xây dựng bộ thao tác cử chỉ cốt lõi dựa trên iPhone. Thứ hai là cách Google quyết định đưa nút back (quay lại) thành một cử chỉ.

Trong Android 10 Q, có một thanh trắng dài và mỏng ở cạnh dưới màn hình cung cấp các thao tác:

  • Vuốt lên để về màn hình home.
  • Vuốt lên và kéo qua để vào chế độ đa nhiệm.
  • Vuốt nhanh qua nó để chuyển đổi giữa các ứng dụng.
  • Vuốt lên từ màn hình chính để đến khay ứng dụng.
     

 

Khác biệt lớn nhất giữa hệ thống cử chỉ trên Android Q và iPhone là thanh dưới cùng nằm ở phần riêng biệt của màn hình thay vì che phần dưới của ứng dụng mà bạn sử dụng.

Một điểm đáng chú ý khác là chất lượng hình ảnh động được cải thiện hơn nhiều so với Android 9 Pie. Có cảm giác như bây giờ tốc độ di chuyển xung quanh hệ thống tăng lên và mọi thứ đều chạy trơn tru hơn. Tuy nhiên, thử nghiệm mới chỉ tiến hành trên Pixel 3 nên chưa thể khẳng định liệu hệ thống mới có hoạt động tốt trên các mẫu điện thoại yếu hơn.

Với những cử chỉ điều hướng cốt lõi, Google đã "sao chép" hệ thống hoạt động tốt trên iPhone. Tuy nhiên, trong trường hợp của nút back, họ còn làm một điều đáng ngạc nhiên hơn nhiều.

Trên Android 10 Q, bạn vuốt từ cạnh trái hoặc phải của điện thoại để quay lại. Khi bạn làm như vậy, một biểu tượng mũi tên sẽ trượt vào để biểu thị hành động quay về trang trước đó. Thao tác vuốt ngược này hoạt động trên toàn bộ cạnh trái và phải của màn hình.

 

Thay đổi cách thức hoạt động của phím điều hướng thành thao tác cử chỉ

 

Có khả năng, Google sẽ biến toàn bộ hệ thống này thành tiêu chuẩn trên tất cả các biến thể của thiết bị chạy Android Q để đảm bảo tính nhất quán.

Với xu hướng thiết kế ứng dụng Android và cách một số nhà sản xuất như Samsung đã tùy chỉnh hệ điều hành, đây là một vấn đề lớn, bởi chính Google đã ban hành hướng dẫn theo hệ thống Material Design vào năm 2014 để các hãng và nhà phát triển tạo thanh chức năng tùy chọn cho ứng dụng khi vuốt từ trái vào.

Vậy điều gì xảy ra trong Android Q khi bạn vuốt từ cạnh trái? Lần vuốt đầu tiên sẽ mở khay tùy chọn ứng dụng và lần vuốt thứ hai sẽ là back. Lưu ý rằng các nhà phát triển cá nhân có thể thay đổi hành vi này và toàn bộ kế hoạch vẫn có thể thay đổi khi Android 10 Q chính thức được phát hành.

 

Cập nhật bảo mật

Mỗi năm, Google luôn cố gắng để cập quá trình cập nhật hệ điều hành Android diễn ra nhanh hơn và ổn định hơn. Năm nay, họ tiếp tục cho thấy sự nỗ lực, ít nhất là khi nói đến các bản cập nhật bảo mật (Security Update).

Có 2 loại cập nhật hệ điều hành Android chính mà bạn cần biết: Bản cập nhật lớn có tên gọi dựa theo chữ cái đầu của món tráng miệng như Oreo hay Pie và các bản cập nhật nhỏ hơn được phát hành hàng tháng cung cấp các bản vá bảo mật. Tuy nhiên, việc bạn có nhận được những bản vá bảo mật hàng tháng hay không tùy thuộc vào từng nhà sản xuất (hoặc các nhà mạng).

 

 

Vì vậy, Google đã giới thiệu Project Mainline – dự án nhằm phát hành các bản vá bảo mật cho nhiều điện thoại hơn bằng cách phân phối các bản cập nhật dựa trên cơ sở hạ tầng của Google Play Store, tức loại bỏ khâu trung gian là hãng/nhà mạng.

Hầu hết các bản cập nhật Mainline được cập nhật đơn giản bằng cách tải xuống file APK. Một số ít sử dụng một hệ thống mới có tên APEX (sẽ được Google giải thích sau).

Đối với các điện thoại không có trên cơ sở hạ tầng của Google Play (chẳng hạn như phiên bản nội địa Trung Quốc), Google vẫn cung cấp nguồn mở cho tất cả các bản cập nhật từ Mainline và có thể họ cũng làm việc với các công ty để đưa ra các phương thức phân phối thay thế nhằm tăng tốc độ cập nhật.

 

Sự cho phép và quyền riêng tư

Cuối cùng, Google đã cải thiện cách truy cập vị trí hoạt động trên Android. Giống như iOS đã làm, Android sẽ cung cấp cho bạn tùy chọn giới hạn quyền truy cập vị trí của ứng dụng (chỉ được phép khi ứng dụng mở và hoạt động trên màn hình). Bây giờ, khi một ứng dụng truy cập vào vị trí, một thông báo sẽ được gửi đến thanh trạng thái để bạn nhận biết.

 

 

Google cũng thêm một phần mới vào thanh cài đặt nhanh khi vuốt từ cạnh trên được gọi là “Privacy” (Quyền riêng tư). Tại đây, bạn sẽ thấy một hỗn hợp các cài đặt và bảng điều khiển khác nhau để hiển thị và kiểm soát những gì có quyền truy cập vào dữ liệu của bạn.

Ngoài ra, còn có một trung tâm cho tất cả các quyền của ứng dụng trên điện thoại. Nơi đây sẽ hiển thị một danh sách các loại dữ liệu mà bạn quyết định có cấp quyền truy cập hay không (như danh bạ, lịch, cuộc gọi, micrô và vị trí), cho bạn biết có bao nhiêu ứng dụng được quyền truy cập ở cấp cao nhất và cho phép bạn truy cập sâu cũng như từ chối bất cứ yêu cầu mà bạn muốn.

 

Live Caption (chú thích trực tiếp)

Live Caption là một tính năng mới được điều khiển bởi công nghệ máy học trên thiết bị và chính xác như tên gọi của nó: nó chú thích mọi thứ, trực tiếp. Chức năng Live Caption hoạt động cho mọi phương tiện phát âm thanh trên hệ điều hành, bao gồm Video, podcast, tin nhắn âm thanh. Ngay khi phát hiện lời nói, chú thích sẽ tự động xuất hiện. Không cần kết nối internet, không có dữ liệu nào rời khỏi điện thoại của bạn.

Live Caption cho phép bạn có được bản chú thích theo thời gian thực về những gì được nói trong bất kỳ video hoặc bản ghi âm thanh nào, trong bất kỳ ứng dụng nào trên toàn bộ hệ điều hành. Tính năng sử dụng máy học nội bộ nên không cần đám mây hay kết nối internet để sử dụng.

 

 

Sau khi bật chức năng trong cài đặt trợ năng, một nút mới xuất hiện bên dưới thanh trượt âm lượng hệ thống. Chạm vào nó, một hộp đen xuất hiện trên màn hình và bắt đầu cung cấp chú thích với độ trễ thường ít hơn vài giây. Bạn có thể di chuyển hộp xung quanh màn hình, chạm đúp vào để phóng to và điều chỉnh kích thước phông chữ hay cài đặt của văn bản.

Tính năng chú thích âm thanh theo thời gian thực hoạt động cho dù bạn tăng âm lượng phương tiện hay tắt tiếng điện thoại hoàn toàn. Hiện tại, ngôn ngữ hỗ trợ chỉ có tiếng Anh. Hi vọng Google sẽ bổ sung thêm nhiều thứ tiếng trong tương lai.

 

 

Live Caption sẽ mang đến lợi ích to lớn cho những người bị điếc/lãng tai hoặc có thính giác bình thường nhưng đang ở trong tình huống muốn xem video mà không thể nghe được âm thanh.

 

Kiểm soát của phụ huynh và Focus Mode (chế độ tập trung)

Google quyết định mở rộng Digital Wellbeing (tính năng quản lý và giới hạn thời gian sử dụng thiết bị) của mình bằng cách tích hợp thêm các hình thức kiểm soát dành cho phụ huynh.

Một tính năng mới khá thú vị có tên Focus Mode (chế độ tập trung) cho phép người dùng chọn ra danh sách các ứng dụng làm họ cảm thấy mất tập trung. Khi bật lên, các ứng dụng đó sẽ chuyển sang màu xám và thông báo của chúng bị ẩn đi.

 

 

Thông báo

Những phiên bản Beta đầu tiên của Android 10 Q tiết lộ rằng bạn không thể vuốt theo cả 2 hướng để loại bỏ thông báo nữa. Thay vào đó, bên cạnh 1 hướng để bỏ qua, hướng còn lại cho thấy các tùy chọn như thông báo lại hoặc thay đổi cài đặt.

Thay đổi quan trọng trong Android 10 Q là cách mới để tự động trả lời trong các cuộc trò chuyện. Cụ thể, Android Q có thể đề xuất trả lời dựa trên ngữ cảnh của tin nhắn mà bạn nhận được. Vì vậy, nếu ai đó nhắn cho bạn một địa chỉ, bạn có thể nhấn nút để trả lời “Tôi đến ngay” hoặc một nút khác để mở bản đồ Google Maps. Quá trình được xử lý bởi một hệ thống có tên “Trợ lý thông báo”.

 

 

Google cũng nhấn mạnh rằng chức năng trên chỉ sử dụng máy học nội bộ và không có dữ liệu nào được tải lên đám mây. Ngoài việc xử lý trả lời tự động, nó cũng có thể thay đổi mức độ ưu tiên của thông báo.

Một tính năng mới nữa là “bong bóng” - sự kết hợp giữa một thông báo và một cửa sổ ứng dụng. Bạn có thể thiết lập để một ứng dụng hiển thị trong một cửa sổ bật lên cho phép bạn kéo xung quanh (như khi sử dụng chế độ đa nhiệm nhiều cửa sổ trên thiết bị điện thoại Samsung), sau đó nó thu gọn thành một biểu tượng trên màn hình (như những ô tròn chứa tin nhắn Messenger).

 

Tạm Kết

 

 

Android 10 Q đang cố gắng cải thiện những ý tưởng mà chúng ta từng nhìn thấy nhưng chưa thực sự mang lại nhiều giá trị trên Android 9 Pie: Digital Wellbeing, tăng cường ứng dụng Ai (trí tuệ nhân tạo) và điều hướng bằng cử chỉ.

Với sự ra đời của Project Mainline, người dùng có thể kỳ vọng vấn đề cập nhật bảo mật chậm sẽ được giải quyết, dù có lẽ Android sẽ không bao giờ hỗ trợ cập nhật phần mềm lâu dài như iOS.

Mặt khác, đã không có chủ đề lớn nào được tìm thấy và cũng không có sự thay đổi mô hình nào trong điện toán di động. Ngoài ra, Google cho biết Android đã sẵn sàng cho mạng 5G, đồng thời cam kết hỗ trợ các thiết bị màn hình gập.

Hệ điều hành Anroid 10 Q phiên bản Beta 3 sẽ được phát hành sớm cho các lập trình viên và người dùng thử ngay sau I/O 2019. So với năm ngoái, số lượng thiết bị được dùng thử tăng lên rất nhiều bao gồm Asus Zenfone 5z, Essential PH-1, Nokia 8.1, Huawei Mate 20 Pro, LG G8, OnePlus 6T, Oppo Reno, Realme 3 Pro, Sony Xperia XZ3, Tecno Spark 3 Pro, Vivo X27, Vivo NEX S, Vivo NEX A, Xiaomi Mi 9, Xiaomi Mi MIX 3 5G. 

Cuối cùng, Android 10 Q đã giới thiệu được những tính năng thực sự hữu ích và hấp dẫn như Live Caption hay Focus Mode.

 

>>> Tìm hiểu ngay: điện thoại xách tay chính hãng tại MobiGo

>>> Xem thêm: Viettel thử nghiệm mạng 5G và đã thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam

Sản phẩm mới

TƯ VẤN KHÁCH HÀNG
0939119770